Cùng với sự phát triển nhanh chóng của đời sống xã hội, hệ thống pháp luật đòi hỏi cần được sửa đổi, bổ sung ngày càng hoàn thiện để bắt kịp xu thế chung, kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội. Ngày 20/6/2023, Quốc hội chính thức thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Luật mới chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2024, thay thế Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 được đánh giá có nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn, bao gồm một số điểm mới nổi bật như sau:
1, Quy định một số khái niệm mới
“Thông tin của người tiêu dùng bao gồm thông tin cá nhân của người tiêu dùng, thông tin về quá trình mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của người tiêu dùng và thông tin khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Giao dịch từ xa là giao dịch được thực hiện trên không gian mạng, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác mà người tiêu dùng không được kiểm tra, tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi tham gia giao dịch.
Tiêu dùng bền vững là việc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức một cách hiệu quả, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực về môi trường, kinh tế – xã hội.”
2, Mở rộng quyền của người tiêu dùng
Điều 4 quy định về quyền của người tiêu dùng đã bổ dung thêm một số quyền, như: Quyền được bảo đảm về danh dự, nhân phẩm, uy tín tại tại khoản 1; Được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững tại khoản 9; Được bảo vệ khi sử dụng dịch vụ công tại khoản 10…
3, Bổ sung thêm một số nội dung về nghĩa vụ của người niêu dùng
Điều 5 quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng có một số điểm mới nổi bật gồm: Nghĩa vụ tuân thủ điều kiện, hướng dẫn vận chuyển, bảo quản, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững theo quy định của pháp luậ tại khoản 3; Chịu trách nhiệm về việc cung cấp không chính xác hoặc không đầy đủ về thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật.
4, Bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương
Khoản 1 Điều 8 của Luật đã quy định rõ về khái niệm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, nêu rõ 07 đối tượng thuộc nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương bao gồm: Người cao tuổi; Người khuyết tật; Trẻ em; Người dân tộc thiểu số; người sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người bị bệnh hiểm nghèo theo quy định của pháp luật; Thành viên hộ nghèo.
5, Bổ sung thêm các hành vi bị cấm
Điều 10 của Luật đã bổ sung một số hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp; tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số như:
– Cấm thực hiện hành vi không thông báo trước, không công khai cho người tiêu dùng việc tài trợ cho người có ảnh hưởng dưới mọi hình thức để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
– Cấm thực hiện hành vi ngăn cản người tiêu dùng kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
– Cấm hành vi yêu cầu người tiêu dùng phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng.
6, Bổ sung thêm các trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa khuyết tật gây ra
Cụ thể, Điều 35 của Luật quy định:
“Tổ chức, cá nhân kinh doanh quy định tại Điều 34 của Luật này được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:
1. Khi chứng minh được khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, công nghệ của thế giới tính đến thời điểm sản phẩm, hàng hóa gây thiệt hại;
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh đã áp dụng đầy đủ các biện pháp quy định tại Điều 32 và Điều 33 của Luật này, người tiêu dùng đã tiếp nhận đầy đủ thông tin nhưng vẫn cố ý sử dụng sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây thiệt hại;
3. Trường hợp khác theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan”
7, Bổ sung quy định về trách nhiệm trong việc cung cấp dịch vụ không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết
Khoản 1 Điều 36 của Luật quy định:
1. Trong trường hợp cung cấp dịch vụ không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết tại thời điểm dịch vụ đó được cung cấp, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm thỏa thuận với người tiêu dùng để thực hiện một hoặc một số biện pháp khắc phục sau đây:
a) Cung cấp lại dịch vụ;
b) Tiếp tục cung cấp dịch vụ nhưng không thu tiền hoặc giảm giá đối với phần dịch vụ đã cung cấp;
c) Chấm dứt việc cung cấp dịch vụ và hoàn tiền cho người tiêu dùng;
d) Biện pháp khác theo thỏa thuận của các bên.
8, Bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù
Chương III của Luật mới quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù. Giao dịch đặc thù theo quy định của Luật bao gồm: giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục và bán hàng trực tiếp.
9, Bổ sung quy định về hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổ chức chính trị – xã hội và tổ chức xã hội
Luật mới bổ sung sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quy định về trách nhiệm của những tổ chức này được quy định chi tiết tại Chương IV Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2023.
Liên hệ Luật sư tư vấn – Công ty Luật TNHH TLA
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về vấn đề này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, email: vtpthanh@tlalaw.vn.
Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; email: tmle@tlalaw.vn
-Vũ Thanh Thảo-