Theo quy định pháp luật hiện hành, người dân có được rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần khi ngừng đóng BHXH tự nguyện không?
I. Tổng quan về Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Căn cứ tại Khoản 3 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
- “Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.”
Công dân từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.
Người dân có nhu cầu mua BHXH tự nguyện thì liên hệ cơ quan BHXH nơi mình cư trú (có thể nơi tạm trú hoặc thường trú) hoặc các đại lý thu BHXH, BHYT (UBND các xã, phường, thị trấn, Bưu điện) để được hướng dẫn thủ tục và lựa chọn mức đóng, phương thức đóng BHXH tự nguyện phù hợp với thu nhập của mình.
Theo khoản 2, Điều 4, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, BHXH tự nguyện gồm có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, cụ thể:
- Hưởng lương hưu hàng tháng sau khi đủ các điều kiện thỏa mãn;
- Nhận trợ cấp một lần;
- Trợ cấp mai táng;
- Trợ cấp tử tuất một lần;
Mức đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện:
Theo Khoản 2, Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, được hướng dẫn bởi Chương III Nghị định 134/2015/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2016:
- Mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do mình lựa chọn.
- Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng tối thiểu bằng mức chuẩn hộ nghèo đối với khu vực nông thôn (1.500.000 đồng/người/tháng) và tối đa bằng 20 lần lương cơ sở (tương đương 36.00.000 đồng/tháng).
Phương thức tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện
- Đóng hàng tháng;
- Đóng 03 tháng một lần;
- Đóng 06 tháng một lần;
- Đóng 12 tháng một lần;
- Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 05 năm một lần;
- Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người đã đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm.
- Trường hợp đã đủ tuổi nghỉ hưu mà thời gian đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm thì người tham gia tiếp tục đóng theo một trong 05 phương thức trên cho đến khi thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu (theo phương thức cuối cùng).
II. Mức hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần.
Căn cứ theo Điều 77 Luật Bảo hiểm xã hội: Bảo hiểm xã hội một lần
- Người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đủ điều kiện về tuổi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 73 của Luật này (Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi) nhưng chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mà không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội;
- Ra nước ngoài để định cư;
- Ngoài trường hợp đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS quy định tại điểm c khoản 1 Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội, người mắc các bệnh, tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần. (đã được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/02/2023)
Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
- 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
- 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
- Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
III. Quy định về rút bảo hiểm xã hội tự nguyện 1 lần tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)
Quy định tại Điều 77 Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 2 phương án BHXH 1 lần đối với người tham gia BHXH tự nguyện, cụ thể như sau:
- Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm;
- Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ tuổi nghỉ hưu.
IV. Liên hệ Luật sư tư vấn – Công ty Luật TNHH TLA
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về vấn đề này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, email: vtpthanh@tlalaw.vn.
Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; email: tmle@tlalaw.vn
– Trần Anh Quân –