Nối tiếp phần 1 về những vướng mắc trong thực tiễn xét xử các vụ án hình sự, Phần 2 sẽ là những giải đáp của Tòa án nhân dân tối cao về những vụ việc liên quan đến dân sự, tố tụng dân sự trong Công văn số 163/TANDTC-PC.
Thứ nhất, các bên tranh chấp đã được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp thực hiện việc hòa giải tranh chấp đất đai theo quy định của Luật Đất đai. Người khởi kiện đã khởi kiện tranh chấp đất đai và được Tòa án có thẩm quyền thụ lý, giải quyết vụ án dân sự.
Sau đó, người khởi kiện rút đơn khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án. Khi khởi kiện lại vụ án này thì Tòa án có yêu cầu các bên hòa giải lại tại Ủy ban nhân dân cấp xã hay không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 235 và Điều 236 của Luật Đất đai năm 2024 thì tranh chấp đất đai phải được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp.
Trường hợp khi khởi kiện lại nếu nguyên đơn, bị đơn, đối tượng tranh chấp, quan hệ tranh chấp không thay đổi so với khi hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì không phải hòa giải lại tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
Thứ hai, trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án xét thấy cần phải đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng để xem xét nghĩa vụ liên đới bồi thường cho nguyên đơn. Nguyên đơn không có yêu cầu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bồi thường.
Tòa án quyết định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải bồi thường cho nguyên đơn. Việc Tòa án quyết định như vậy có vượt quá yêu cầu của nguyên đơn không?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 5 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”.
Khoản 1 Điều 288 của Bộ luật Dân sự quy định: “Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ”.
Như vậy, trong trường hợp nêu trên, Tòa án quyết định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải bồi thường cho nguyên đơn là vượt quá yêu cầu của nguyên đơn.
Thứ ba, tranh chấp bất động sản được Tòa án nhân dân huyện A thụ lý, giải quyết đúng thẩm quyền theo nơi có bất động sản, tuy nhiên bản án đã bị Tòa án cấp trên hủy để xét xử lại theo thủ tục chung.
Trong quá trình thụ lý, giải quyết lại vụ án, do có việc chia tách, sáp nhập địa giới hành chính nên địa chỉ bất động sản đang có tranh chấp nay thuộc về địa giới của huyện B. Vậy, Tòa án đang thụ lý, giải quyết vụ án có phải chuyển hồ sơ cho Tòa án nơi có bất động săn sau khi được chia tách, sáp nhập không?
Trả lời:
Điểm c khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Đối với tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”. Do đó, trường hợp sau khi chia tách, sáp nhập địa giới hành chính, bất động sản thuộc về địa giới của huyện khác thì cần phân biệt như sau:
– Trường hợp Tòa án chưa ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Tòa án phải chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án nơi có bất động sản sau khi được chia tách, sáp nhập để giải quyết theo thẩm quyền.
– Trường hợp Tòa án đã ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Tòa án không chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án nơi có bất động sản sau khi được chia tách, sáp nhập mà tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, email: vtpthanh@tlalaw.vn;
2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; email: tmle@tlalaw.vn
_Lê Minh Phương_