Ở Singapore, việc thành lập doanh nghiệp có thể đem đến nhiều lợi thế như: cơ hội kinh doanh được mở rộng, các mức ưu đãi thuế hấp dẫn, cùng với đó là lực lượng lao động chất lượng cao và rất nhiều các lợi thế khác. Quy định pháp luật của Singapore cho phép nhiều loại hình công ty khác nhau, và một trong số các loại hình thu hút các doanh nhân đến Singapore nhiều nhất chính là Công ty tư nhân miễn trừ (Exempt Private Company Limited – EPC). Bài viết này sẽ đưa ra một số vấn đề pháp lý liên quan tới loại hình doanh nghiệp này.
1. Tổng quan về EPC:
Như được thể hiện trong chính tên gọi “Công ty tư nhân miễn trừ”, các EPC có quyền được miễn trừ một số các nghĩa vụ thuế và yêu cầu kiểm toán.
So sánh với các loại hình công ty TNHH khác ở Singapore, ECP có một số các điểm tương đồng và đặc thù như sau:
1.1. Những điểm tương đồng:
a) Yêu cầu về các vị trí:
– Giám đốc: Phải có ít nhất một giám đốc để đảm nhiệm quản lý và trách nhiệm ủy thác. Cá nhân này phải trên 18 tuổi và đồng thời là công dân Singapore, cư trú lâu dài tại Singapore (thường trú nhân) hoặc có EntrePass, Employment Pass hoặc Dependant’s Pass. Một cổ đông có thể đồng thời đóng vai trò làm một giám đốc.
– Thư ký công ty: Phải được bổ nhiệm trong 6 tháng kể từ ngày thành lập công ty. Cá nhân này phải thường trú tại Singapore, có trình độ chuyên môn cao và có chuyên môn liên quan về quản trị.
b) Vốn thực góp ban đầu: Tối thiểu 1 đô la Singapore
c) Địa chỉ: Phải có địa chỉ tại Singapore.
d) Ưu đãi thuế:
Tính từ Năm đánh giá 2020 trở đi, công ty đủ điều kiện có thể được miễn thuế 75% cho 100.000 đô la Singapore thu nhập chịu thuế đầu tiên trong ba năm đầu tiên liên tiếp và 100.000 đô la Singapore thu nhập chịu thuế tiếp theo có thể được miễn thuế 50%. Tổng khoản thu nhập được miễn thuế tối đa có thể lên đến $125.000 cho mỗi năm trong 3 năm đầu bạn thành lập công ty tại Singapore.
Cần lưu ý rằng, các công ty chuyên về đầu tư hoặc phát triển bất động sản là những trường hợp không áp dụng hình thức miễn thuế này.
1.2. Những điểm đặc thù:
a) Yêu cầu về cổ đông:
EPC có tối thiểu 1 cổ đông và tối đa 20 cổ đông, tất cả các cổ đông này phải là cá nhân và không ai là pháp nhân.
b) Kiểm toán:
EPC có thể không cần chỉ định kiểm toán viên (trong khi các loại hình công ty khác phải chỉ định kiểm toán viên trong vòng 3 tháng kể từ ngày thành lập) và được miễn thực hiện kiểm toán hàng năm nếu đáp ứng ít nhất 2 trong 3 tiêu chí sau cho năm tài chính thứ nhất hoặc thứ hai sau khi thành lập:
– Tổng doanh thu hàng năm của nó bằng hoặc dưới 10 triệu đô la;
– Tổng tài sản bằng hoặc dưới 10 triệu đô la;
– Tổng số nhân viên bằng hoặc ít hơn 50.
Tất cả các giám đốc và thư ký công ty phải ký một tuyên bố về khả năng thanh toán, mẫu quy định có sẵn trực tuyến, sau đó nộp cho ACRA. Công ty vẫn phải có trách nhiệm cập nhật đúng các hồ sơ kế toán và lập báo cáo tài chính theo Luật Công ty và Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Singapore (FRS).
Nếu EPC không đạt được các tiêu chí nêu trên, các nghĩa vụ kiểm toán vẫn sẽ được áp dụng như bình thường.
c) Báo cáo tài chính:
Ở SIngapore, các công ty phải thực hiện lập báo cáo tài chính ở định dạng XBRL và tải lên các báo cáo tài chính này khi nộp tờ khai thuế hàng năm. Đối với EPC thì sẽ phụ thuộc vào loại hình (được trình bày cụ thể hơn ở mục 2). Nếu doanh nghiệp được xác định là ECP không có khả năng thanh toán, các nghĩa vụ về báo cáo tài chính sẽ giống với các công ty khác và phải được thực hiện đầy đủ.
Nếu doanh nghiệp được xác định là EPC có khả năng thanh toán thì sẽ được miễn nộp báo cáo tài chính. Tuy nhiên, việc hoàn thành yêu cầu nộp báo cáo hằng năm vẫn nên được thực hiện.
d) Cuộc họp đại hội đồng cổ đông:
Trong vòng 18 tháng kể từ ngày thành lập, EPC phải tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông. Những cuộc họp đại hội đồng cổ đông sau cần được tổ chức chậm nhất là 15 tháng kể từ cuộc họp đại hội đồng cổ đông trước. Còn với các loại hình công ty TNHH khác, họ có thể chọn không tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông nếu tất cả các thành viên và cổ đông đồng ý thông qua nghị quyết bằng văn bản.
đ) Tên công ty:
Với bản chất là một công ty TNHH, vậy nên công ty tư nhân miễn trừ cũng kết thúc bằng “Private Limited” hoặc “Pte. Ltd”, nhưng ngoài ra các công ty tư nhân miễn trừ cũng có thể chọn kết thúc bằng “EPC”.
e) Trường hợp đặc biệt:
Trường hợp một công ty tư nhân hoàn toàn thuộc sở hữu của Chính phủ, mà Bộ trưởng, vì lợi ích quốc gia, tuyên bố bằng thông báo trên Gazette (Công báo) rằng công ty này là EPC thì công ty đó sẽ được xác định là EPC.
2. Phân loại EPC:
Việc phân loại EPC sẽ phụ thuộc vào khả năng thanh toán nợ của công ty. Nếu công ty có thể trả hết nợ khi nợ đến hạn, công ty được phân loại là EPC có khả năng thanh toán (solvent EPC). Ngược lại, nếu không có khả năng thanh toán các khoản nợ thì công ty sẽ được phân loại là EPC không có khả năng thanh toán (insolvent EPC).
Theo ACRA, các yêu cầu báo cáo hằng năm của mỗi loại trong số 2 loại này là khác nhau:
– EPC không có khả năng thanh toán có nghĩa vụ phải nộp một bộ báo cáo tài chính đầy đủ ở định dạng XBRL hoặc dữ liệu nổi bật của báo cáo tài chính (FSH) ở định dạng XBRL, kèm theo bản sao PDF của báo cáo tài chính.
– EPC có khả năng thanh toán được miễn nộp báo cáo tài chính.
Liên hệ Luật sư tư vấn – Công ty Luật TNHH TLA
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, email: vtpthanh@tlalaw.vn
Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; email: tmle@tlalaw.vn
-Trần Duy Hiển-