Lương hưu, tưởng đơn giản mà phức tạp: Ai được hưởng, tính quyền lợi như thế nào?

Với xu hướng dân số già hiện nay, số lượng người cao tuổi ngày càng cao. Từ góc độ xây dựng pháp luật và duy trì ổn định, nhà làm luật luôn phải “co kéo” để không bị vỡ quỹ hưu trí.

Nhưng từ góc độ người lao động, đây là khoản “dành dụm” của họ trong suốt quá trình lao động, cống hiến. Do đó, người lao động cần biết quyền lợi của mình để được hưởng đúng, đủ và kịp thời.

Vậy điều kiện, mức hưởng và thủ tục hưởng lương hưu theo pháp luật Việt Nam như thế nào, chia sẻ của Luật sư Vũ Thị Phương Thanh – Đoàn luật sư Hà Nội về vấn đề này như sau:

Có phải ai cũng được hưởng lương hưu?

Điều kiện hưởng lương hưu được quy định rõ tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (Luật BHXH) và Bộ luật Lao động 2019 (BLLĐ), cụ thể bao gồm:

  • Đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc và làm việc trong điều kiện lao động bình thường được quy định tại Điều 54 Luật BHXH hoặc Đối với người lao động tham gia đóng BHXH tự nguyện được quy định tại Điều 73, hai đối tượng này có cùng chung hai điều kiện là:
  • Người lao động đã tham gia đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên.
  • Đáp ứng về điều kiện độ tuổi nghỉ hưu trí theo khoản 2 Điều 169 BLLĐ, cụ thể 60 tuổi 9 tháng đối với nam và 56 tuổi đối với nữ tại thời điểm 2023; 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
  • Một số trường hợp đặc biệt, Luật BHXH cho phép người lao động được hưởng lương hưu khi tham gia đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên và độ tuổi nghỉ hưu từ 50 tuổi trở lên như người lao động làm trong hầm lò, điều kiện làm việc độc hại, nặng nhọc, nguy hiểm, người lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Đặc biệt, đối với đối tượng đóng BHXH tự nguyện, nếu trường hợp đến tuổi nghỉ hưu mà chưa tham gia đủ 20 năm, luật cho phép được đóng bổ sung cho đến khi đủ 20 năm để được hưởng tiền lương hưu.

Dự thảo Luật BHXH 2024 giảm số năm tham gia bảo hiểm tại quy định về điều kiện hưởng lương hưu, theo đó, người lao động được hưởng lương hưu nếu đủ điều kiện về độ tuổi và đủ 15 năm tham gia bảo hiểm xã hội.

Mỗi tháng, người về hưu được nhận bao nhiêu tiền?

  • Đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc, theo quy định tại Điều 56 luật BHXH 2014 và hướng dẫn chi tiết tại Điều 7, Điều 10 Nghị định 115/2015/NĐ-CP ban hành ngày 11/11/2015, lương hưu được tính như sau:

Lương hưu hằng tháng = Tỷ lệ hưởng (1) x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (2)

Trong đó:

(1) Tỷ lệ hưởng lương hưu được xác định như sau:

  • Đối với lao động nam, kể từ năm 2022, người lao động đóng đủ 20 năm BHXH sẽ được hưởng 45%, sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH sẽ được tính thêm 2%, tối đa 75% mức lương bình quân đóng BHXH.
  • Đối với lao động nữ, người lao động sẽ nhận được 45% khi đã đóng đủ 15 năm BHXH, sau đó mỗi năm sẽ tính thêm 2%, tối đa 75% mức lương bình quân lương tháng đóng BHXH.

Vậy nên, nếu người lao động nghỉ hưu năm 2023, thời gian đóng BHXH tối thiểu là 30 năm đối với lao động nữ và 35 năm đối với lao động nam thì người lao động sẽ được hưởng mức lương hưu tối đa 75%.

Trường hợp nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động thì giảm 2% tỷ lệ hưởng lương mỗi năm.

(2) Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH = Mức lương đóng BHXH hằng tháng x chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm.

  • Đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện, theo quy định tại Điều 74 Luật BHXH và được hướng dẫn tại Điều 3 Nghị định 134/2015/NĐ-CP ban hành ngày 29/12/2015, được tính như sau:

Lương hưu hằng tháng = tỷ lệ hưởng (1) x mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (2)

Trong đó:

(1) Cách xác định tỷ lệ hưởng tương tự như với BHXH bắt buộc.

(2) Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH được tính bằng bình quân các mức thu nhập tháng đã đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng. Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH được tính trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm.

  • Đối với người lao động tham gia cả BHXH tự nguyện và bắt buộc, thời gian tính hưởng lương hưu bằng tổng thời gian đóng của cả hai loại hình này. Công thức tính được quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định 134/2015/NĐ-CP như sau:

Lương hưu hằng tháng = tỷ lệ hưởng (1) x mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội (2)

Trong đó:

(1) Tỷ lệ hưởng được xác định tương tự như trên.

(2) Mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội

cong thuc tinh

– Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được thực hiện theo quy định tại Điều 62 và Điều 63 của Luật BHXH.

– Tổng các mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là tổng các mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đã được điều chỉnh theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

Ngoài lương hưu, với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Để được hưởng lương hưu, người lao động nộp hồ sơ bao gồm (i) sổ BHXH; (ii) quyết định nghỉ việc hưởng hưu trí (trường hợp BHXH bắt buộc) hoặc đơn đề nghị theo mẫu (trường hợp BHXN tự nguyện); (iii) biên bản giám định mức suy giảm lao động hoặc giấy chứng nhận bị nhiễm HIV do tai nạn lao động (nếu có) đến người sử dụng lao động (trường hợp BHXH bắt buộc) hoặc cơ quan BHXH (trường hợp BHXH tự nguyện). Cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết hồ sơ trong thời hạn 12 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Người lao động có thể nhận trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác nhận.

Lương hưu đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cuộc sống ổn định cho người già khi hết tuổi lao động, do đó, ngoài bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thì người dân còn có lựa chọn tham gia bảo hiểm tự nguyện để bảo vệ bản thân khi bước sang tuổi xế chiều.

Luật sư Vũ Thị Phương Thanh – Đoàn luật sư Hà Nội;

Email: thanh.vu@hotrokhoinghiep.vn

Bài liên quan