Cơ quan chức năng có phải đền bù không trong trường hợp tang vật bị mất hoặc hư hỏng ?

1. Trách nhiệm của cơ quan chức năng khi tang vật tạm giữ bị mất hoặc hư hỏng

      Theo khoản 5 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bổ sung năm 2020: “Người lập biên bản tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị mất, bán trái quy định, đánh tráo hoặc hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật”.  

      Điều 9 Nghị định 138/2021/NĐ-CP quy định trách nhiệm trong quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ:

      1. Người lập biên bản tạm giữ có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ cho đến khi bàn giao tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ cho người quản lý, bảo quản.

      2. Người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ. Trường hợp tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

      3. Người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ có trách nhiệm trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ. Trường hợp tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ.

      4. Trường hợp phương tiện giao thông vi phạm hành chính được giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản theo quy định tại Điều 14 và Điều 15 Nghị định này thì người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện có trách nhiệm quản lý, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính từ khi tạm giữ phương tiện cho đến khi giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản.

      Theo đó, trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Người trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện.

      2. Quyền của người có tang vật bị tạm giữ bị mất hoặc hư hỏng

      Điều 10 Nghị định 138/2021/NĐ-CP quy định về quyền của tổ chức, cá nhân có tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ:

      1. Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hành vi, quyết định trái pháp luật của người có thẩm quyền tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

      2. Kiểm tra trước khi nhận lại tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ khi hết thời hạn bị tạm giữ.

      3. Yêu cầu người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ lập biên bản về việc tài sản trong thời gian tạm giữ bị mất, đánh tráo, hư hỏng, thiếu hụt và yêu cầu cơ quan của người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ bồi thường theo quy định của pháp luật.

      Theo đó, tổ chức, cá nhân có tang vật, phương tiện bị tạm giữ có quyền yêu cầu người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện tạm giữ lập biên bản về việc tài sản trong thời gian tạm giữ bị mất, hư hỏng, thiếu hụt và yêu cầu cơ quan quản lý, bảo quản phương tiện bồi thường theo quy định của pháp luật.

      3. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp này như thế nào ?

      Để có căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp này, chủ sở hữu cần có giấy tờ xác minh là chủ sở hữu của tang vật, giá trị của tang vật để xác định giá trị tài sản bị thiệt hại. Trường hợp không thỏa thuận được về mức bồi thường thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện ra Tòa án giải quyết theo luật định.

      Theo khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015, nếu cơ quan có thẩm quyền kết luận nguyên nhân khiến cho tang vật bị mất, hư hỏng do sự kiện bất khả kháng thì nơi ra quyết định tạm giữ, tịch thu tang vật nêu trên không phải chịu trách nhiệm bồi thường.

      Còn nếu xác định việc đánh mất, làm hư hỏng không phải do sự kiện bất khả kháng mà có hành vi phá hoại hoặc bất cẩn của cá nhân nào đó thì cơ quan ra quyết định tạm giữ vẫn phải bồi thường cho các chủ sở hữu của tang vật, rồi sau đó mới khởi kiện cá nhân, tổ chức làm mất hoặc hư hỏng tang vật để yêu cầu đền bù thiệt hại. Trường hợp có căn cứ cho thấy đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

      Liên hệ Luật sư tư vấn – Công ty Luật TNHH TLA

      Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về vấn đề này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.

      Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, email: vtpthanh@tlalaw.vn.

      Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; email: tmle@tlalaw.vn

      – Lương Hoàng Hiếu –

      Bài liên quan