Hiện nay, việc thành lập doanh nghiệp đang diễn ra rất phổ biến và rộng khắp. Không chỉ là những nhà đầu tư lớn, có nhiều năm kinh nghiệm, mà đến cả những cá nhân nhỏ lẻ, những startup mới với quy mô vừa phải cũng có nhu cầu cho dịch vụ này. Vậy, khi thực hiện công việc này, những chi phí mà các chủ thể sẽ phải bỏ ra là bao nhiêu?
I. Các chi phí phát sinh trước khi thành lập doanh nghiệp:
Theo quy định tại Điều 32 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp phải nộp phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm nộp hồ sơ thành lập công ty. Ngoài ra, Điều 32 Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng quy định doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ phải thực hiện Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Căn cứ theo Biểu phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp Ban hành kèm theo Thông tư số 47/2019/TT-BTC ngày 05 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính:
Stt | Nội dung | Đơn vị tính | Mức thu |
1 | Lệ phí đăng ký doanh nghiệp (bao gồm: Cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp) | Đồng/lần | 50.000 |
2 | Phí cung cấp thông tin doanh nghiệp | ||
a | Cung cấp thông tin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh | Đồng/bản | 20.000 |
b | Cung cấp thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; Cung cấp báo cáo tài chính các loại doanh nghiệp | Đồng/bản | 40.000 |
c | Cung cấp báo cáo tổng hợp về doanh nghiệp | Đồng/báo cáo | 150.000 |
d | Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp | Đồng/lần | 100.000 |
đ | Cung cấp thông tin doanh nghiệp theo tài khoản từ 125 bản/tháng trở lên | Đồng/tháng | 4.500.000 |
Như vậy, trong quá trình thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp, chi phí phát sinh sẽ là 150.000 đồng, với 50.000 đồng lệ phí đăng ký doanh nghiệp và 100.000 đồng phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Trong trường hợp đăng ký thành lập doanh nghiệp trực tuyến, doanh nghiệp đăng ký thành lập công ty sẽ được miễn lệ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp, theo đó doanh nghiệp chỉ cần nộp 100.000 đồng phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, quá trình này còn phát sinh các chi phí khác như: in ấn, công chứng, đi lại… Hoặc chi phí dịch vụ thành lập công ty khi chọn lựa các đơn vị cung cấp dịch vụ thành lập. Đối với phương án lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ thành lập, mức phí sẽ phụ thuộc vào đơn vị, nhưng đối với công việc thành lập những doanh nghiệp mới thông thường thì mức phí sẽ dao động vào khoảng 1.000.000 đến 3.000.000 đồng.
II. Các chi phí phát sinh sau khi thành lập doanh nghiệp:
1. Chi phí làm biển công ty
Chi phí làm biển mà có mức giá khác nhau, tùy thuộc vào từng cơ sở làm biển. Trên thị trường mức giá giao động khác nhau từ 300.000 đồng đến 1.500.000 đồng tùy vào chất liệu, kích thước biển hiệu.
2. Mở tài khoản ngân hàng và nộp thông báo tài khoản ngân hàng
Doanh nghiệp phải mở tài khoản ngân hàng để giao dịch và dùng để nộp thuế theo quy định bắt buộc hiện nay. Thủ tục mở tài khoản không mất phí. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần đảm bảo số dư trong tài khoản tối thiểu là 1.000.000 đồng.
3. Chi phí khắc con dấu doanh nghiệp
Tùy vào từng nơi làm con dấu mà mức giá sẽ có sự giao động khác nhau. Chi phí phụ thuộc vào đơn vị cung cấp dịch vụ khắc dấu, loại con dấu theo yêu cầu của doanh nghiệp. Mức giá cho dấu tròn công ty dao động từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng. Dấu chức danh của Giám đốc, chủ tịch…. từ 70.000 đồng đến 150.000 đồng.
4. Kê khai và nộp lệ phí môn bài
Lệ phí môn bài căn cứ vào số vốn điều lệ công ty và chia thành hai mức sau:
- Vốn điều lệ từ dưới 10 tỷ, lệ phí môn bài là 2.000.000 đồng/năm.
- Vốn điều lệ trên 10 tỷ, lệ phí môn bài là 3.000.000 đồng/năm.
Ngoài ra, dựa trên thời điểm thành lập công ty, mức thuế phải nộp tính theo năm được quy định như sau:
- Doanh nghiệp mới thành lập trong 6 tháng đầu năm: Nộp mức lệ phí môn bài cả năm.
- Doanh nghiệp thành lập trong 6 tháng cuối năm (Thành lập từ ngày 1/7 đến 31/12) thì năm đầu tiên (năm thành lập) nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.
- Nếu công ty có ngày cấp phép kinh doanh và ngày hoạt động khác nhau thì hãy lưu ý rằng mức thuế môn bài được tính từ ngày cấp phép.
Lưu ý:
- Theo quy định tại Nghị định 22/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp trong năm đầu tiên thành lập được miễn lệ phí môn bài năm trong năm đầu thành lập.
- Căn cứ theo Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định, đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh được miễn thuế môn bài trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
Liên hệ Luật sư tư vấn – Công ty Luật TNHH TLA
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, email: vtpthanh@tlalaw.vn
Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; email: tmle@tlalaw.vn