Anh Hùng, một người đam mê bóng đá và thường xuyên tham gia cá độ, gần đây đã gặp phải một tình huống khó xử khi thua độ một khoản tiền lớn. Lo lắng về việc phải trả nợ, anh Hùng đã quyết định tìm đến luật sư TLA để tìm hiểu rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong trường hợp này. Theo quy định pháp luật Việt Nam, cá độ bóng đá có được coi là giao dịch dân sự vô hiệu, và người thua có cần trả tiền thua độ không? Hãy cùng anh Hùng lắng nghe giải đáp từ luật sư TLA để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
I. Có thể tham gia “cá độ” một cách hợp pháp không?
Theo các Luật sư của Công ty Luật TNHH TLA, theo quy định tại Điều 67a Luật Thể dục thể thao, sửa đổi năm 2018, nhà nước cho phép đặt cược thể thao. Theo đó,
“Đặt cược thể thao là hình thức giải trí có thưởng mà người tham gia đặt cược thực hiện dự đoán về kết quả có thể xảy ra trong các sự kiện thể thao được sử dụng để kinh doanh đặt cược.”
Đồng thời, Nghị định 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế cho phép doanh nghiệp được tổ chức thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế, nhưng đến thời điểm hiện tại chưa có doanh nghiệp nào đủ điều kiện tham gia. Điều đó có nghĩa rằng, người tham gia đặt cược bóng đá hiện nay là vi phạm pháp luật.
Theo “luật chơi” trong cá độ bóng đá, nếu người thua đã đặt cược, thì về “nguyên tắc” là phải “trả độ”, nhưng hành vi đặt cược là vi phạm pháp luật, nên việc “trả độ” hay không đều không được pháp luật công nhận, thậm chí là cả vi phạm pháp luật.
Theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi cá độ được gọi tên là hành vi “cá cược trái phép”, nhưng trong Bộ Luật Hình sự 2015, hành vi cá độ được thể hiện dưới tên chung là hành vi đánh bạc. Như vậy, cá cược trái phép hay cá độ đều là những hành vi cụ thể của hành vi đánh bạc trái phép.
Việc các bên cá độ bóng đá có thể hiểu rằng họ giao kết và thực hiện một giao dịch dân sự. Tuy nhiên, việc cá cược bóng đá trái phép là hành vi vi phạm pháp luật, nên giao dịch dân sự (giao dịch cá độ) giữa các bên sẽ không có hiệu lực, bị vô hiệu theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015. Và theo điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015, giao dịch dân sự không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch dân sự được xác lập. Do đó, người thua cá độ bóng đá không cần phải thực hiện việc trả độ cho bên thắng độ.
II. Tham gia cá độ, cá cược bóng đá sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo quy định tại điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người đánh bạc với giá trị tài sản đánh bạc từ 5 triệu đồng trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc; nếu đánh bạc với giá trị tài sản là dưới 5 triệu đồng, sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính.
“Cá độ, đặt cược” tùy theo mức độ và quy mô, không những bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội đánh bạc” tại Điều 321, mà còn vi phạm “tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” được quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo đó, đối với hành vi đánh bạc, nếu chưa đủ điều kiện để xử lý hình sự thì người đánh bạc bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền thấp nhất là 200 ngàn đồng, cao nhất là 20 triệu đồng và có thể có một số hình thức phạt bổ sung quy định tại điều 26 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội…
Nếu đủ điều kiện xử lý hình sự người đánh bạc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể, tùy mức độ, người đánh bạc có thể bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; nặng hơn thì có thể bị phạt tù từ 3 đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng.
“Đối với tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50 đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm; nặng thì có thể bị phạt tù từ 5 đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”, LS Khương thông tin thêm.
III. Liên hệ Luật sư tư vấn – Công ty Luật TNHH TLA
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, email: vtpthanh@tlalaw.vn
Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; email: tmle@tlalaw.vn
-Anh Quân –