Nở rộ cùng với sự phát triển của sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, việc nhiều chị em tự sản xuất, dán nhãn và đăng bán mỹ phẩm không phải là điều hiếm thấy, thậm chí nhiều sản phẩm còn được đánh giá cao, cạnh tranh trực tiếp với những nhãn hiệu mỹ phẩm chuyên nghiệp.
Tuy nhiên ít người bán quan tâm tới việc tự gia công và đăng bán mỹ phẩm như trên có được pháp luật thực sự cho phép cũng như thực hiện đúng thủ tục trình tự theo đúng quy định của pháp luật dẫn tới nhiều trường hợp vi phạm quy định pháp luật
Khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh đã định nghĩa về cá nhân hoạt động thương mại cũng như những ngành nghề không phải đăng ký kinh doanh như sau:
1. Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:
a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
Quy định trên cho thấy việc tự kinh doanh mỹ phẩm không hề nằm trong nhóm những ngành nghề không phải đăng ký kinh doanh mà pháp luật đã quy định, tuỳ theo quy mô mà người bán mong muốn, người bán lựa chọn giữa việc đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc đăng kí thành lập hộ kinh doanh. Mặt khác, do đặc thù của sản phẩm, người bán sau khi thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh phải tiến hành thủ tục xin giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm handmade tại Sở y tế
Điều kiện để sản xuất mỹ phẩm handmade được pháp luật quy định tại Điều 4 Nghị định 93/2016/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 155/2018/NĐ-CP:
“1. Điều kiện về nhân sự: Người phụ trách sản xuất của cơ sở phải có kiến thức chuyên môn về một trong các chuyên ngành sau: Hóa học, sinh học, dược học hoặc các chuyên ngành khác có liên quan đáp ứng yêu cầu của công việc.
2. Điều kiện về cơ sở vật chất:
a) Có địa điểm, diện tích, nhà xưởng, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu về dây chuyền sản xuất, loại sản phẩm mỹ phẩm mà cơ sở đó dự kiến sản xuất như đã nêu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm;
b) Kho bảo quản nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm phải bảo đảm có sự tách biệt giữa nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm; có khu vực riêng để bảo quản các chất dễ cháy nổ, các chất độc tính cao, nguyên, vật liệu và sản phẩm bị loại, bị thu hồi và bị trả lại.
3. Có hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Nguyên liệu, phụ liệu, bán thành phẩm dùng trong sản xuất mỹ phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất.
b) Nước dùng trong sản xuất mỹ phẩm tối thiểu phải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước ăn uống do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
d) Có quy trình sản xuất cho từng sản phẩm;
đ) Có bộ phận kiểm tra chất lượng để kiểm tra chất lượng của nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm chờ đóng gói và thành phẩm;”
Cuối cùng, người bán còn cần phải nộp hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định tại Điều 4 Thông tư 06/2011/TT-BYT, trong trường hợp người bán tự gia công sản phẩm, thì hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm để nộp lên Sở Y tế tỉnh nơi cơ sở kinh doanh đặt nhà máy sản xuất mỹ phẩm handmade sẽ gồm
– Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường (có chữ ký và đóng dấu của doanh nghiệp). Trường hợp mỹ phẩm sản xuất trong nước mà tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường không phải là nhà sản xuất thì phải có bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhà sản xuất (có chứng thực hợp lệ).
Có thể thấy, việc tự sản xuất mỹ phẩm handmade và tự đăng bán như hiện nay có thể là nguồn thu nhập tốt cho các chị em đam mê làm đẹp, tuy nhiên, việc tìm hiểu kĩ và tuân thủ đúng quy trình pháp luật cũng là một trong những bước cần thiết để xây dựng thương hiệu lâu dài và niềm tin nơi khách hàng.
Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, email: vtpthanh@tlalaw.vn
Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; email: tmle@tlalaw.vn
Nguyễn Hương Huyền